Mặc dù Flappy Bird đã bị gỡ bỏ khỏi App Store, nhưng thế giới vẫn đang bàn tán về trò chơi này. Thậm chí có nhiều bài viết khá sâu sắc về Flappy Bird trên Forbes và The Verge.
Tuy nhiên, giới truyền thông tại Việt Nam cũng thêu dệt nên khá nhiều "thị phi" đằng sau thành công của Flappy Bird.
Chính điều này đã khiến cộng đồng người Việt có cái nhìn chưa đúng về thành công của lập trình viên 29 tuổi Nguyễn Hà Đông cũng như Flappy Bird. Khi nhìn vào những cuộc trò chuyện của cộng đồng Việt trên Facebook, dễ dàng nhận thấy chủ đề được bàn tán nhiều nhất là Hà Đông đã "ăn cắp" ý tưởng từ hãng game Nintendo, rằng anh sẽ phải đóng thuế, thành công của anh không xứng đáng, hoặc là trò chơi này thật sự vớ vẩn... Và thậm chí so sánh ngớ ngẩn giữa Flappy Bird và Facebook.
Vì vậy, tác giả Anh-Minh Do đã có những phân tích trên tờ Tech In Asia dành cho những ai chưa hiểu về công nghệ, giải trí và thế giới game của Việt Nam.
1. "Ăn cắp ý tưởng" có ở khắp nơi và nó không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến thành công
Có rất nhiều bài viết tiếng Anh và cả tiếng Việt nói về việc Hà Đông ăn cắp ý tưởng Piou Piou của Nintendo để tạo nên Flappy Bird. Ý kiến của tôi là: Thậm chí nếu copy tất cả những yếu tố hay từ nhiều game khác nhau thì đã sao? Bạn có bao giờ thử hỏi Facebook có phải là trang mạng xã hội đầu tiên? Liệu Gangnam Style có phải là bài hát vui nhộn đầu tiên khiến mọi người nhún nhảy theo? Thử hỏiiPhone có phải là chiếc smartphone đầu tiên?
Nếu nói rằng thành công của Hà Đông chỉ nhờ vào việc anh đã "chôm" ý tưởng hình ảnh chiếc ống khói màu xanh từ game Super Mario của Nintendo thì thật nực cười. Tôi xin phép hỏi rằng, chiếc ống khói màu xanh có phải là lý do vì sao bạn chơi game này? Chắc chắn là không! Lý do mọi người đề cập và quan tâm đến Flappy Bird chính là độ khó của nó. Và cho tới bây giờ, video lan truyền nhiều nhất về Flappy Bird lại chẳng liên quan tới những chiếc ống. Thay vào đó, tất cả chỉ đề cập đến độ khó khủng khiếp của trò chơi này.
2. Không dễ để copy Flappy Bird
Hiện nay đã có ít nhất 10 bản sao của Flappy Bird trên iOS và Android, những game đó đang dần xuất hiện trên bảng xếp hạng, nhưng nếu bạn là một gamer như tôi, bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt về chất lượng. Đầu tiên, phần hình ảnh của nó sẽ không thể bằng Flappy Bird, mặc dù bản thân Flappy Bird chỉ là một game mang phong cách 8-bit khá cũ kĩ với thiết kế đồ họa thân thiện. Tưởng chừng sẽ rất dễ để bắt chước, nhưng sự thật không hề đơn giản.
Thứ hai, những đánh giá cho thấy một bức tranh hoàn thiện nhất. Sau hàng ngàn lượt bình luận, ta thấy rằng, Flappy Bird vẫn có được 4 sao, còn nhiều phiên bản "bắt chước" khác thậm chí không thể vượt nổi 3 sao.
Thứ ba, lập trình vật lý những game đó không thật và không khó như Flappy Bird. Ví dụ Fly Birdie là bản sao trắng trợn nhất, tất cả những gì nó có là nhạc game tầm thường, một con chim sao chép với màu nâu xấu xí và gameplay quá dễ dàng. Còn Iron Pants là một trong những bản sao đầu tiên, ngang tầm với Flappy Bird và cha đẻ của nó không ai khác chính là nhà sáng lập .GEARS Studios.
3. Đam mê và công sức của Hà Đông
Nếu chỉ nhìn sơ qua, Flappy Bird có vẻ như là một game khá ngớ ngẩn và đương nhiên không ai rảnh để ngồi lập trình, nhưng nó không phải là vấn đề. Cái chính ở đây là Hà Đông đã thổi vào một hơi thở mới qua việc tạo nên một Flappy Bird có sự ảnh hưởng nặng nhất trong tất cả những game tương tự. Với các gamer như Temple Run, ý đồ của nhà thiết kế là tạo nên cảm giác như thật cho người chơi. Có lẽ, Flappy Bird cũng muốn điều như vậy, nhưng Đông lại quyết định tạo nên một trong những game khó nuốt nhất từ trước đến nay.
Có thể thấy rằng Temple Run rất "dễ xơi" ở những màn đầu và sẽ càng khó về sau. Điều này khuyến khích người chơi có hứng thú hơn và cố gắng để "ăn" tiền cũng như vật phẩm trong game. Từ đó, người chơi càng bị lôi cuốn hơn và bắt buộc phải mua thêm đồ. Nhưng Flappy Bird chỉ đơn thuần có thắng hoặc thua mà thôi. Điều này vô tình trở thành một trong những yếu tố quyết định độ lan truyền và sự thành công của game. Sự đơn giản nhất là sự phức tạp nhất.
4. Càng khó càng hay
Hãy cùng nhìn sâu hơn vào sự đơn giản của trò chơi và cách nó phát huy. Eric Fries, người đồng sáng lập Xbox đã đi sâu vào vấn đề này tại sự kiện BTIC Việt Nam 2012. Ông đề cập đến sự giống nhau của các dòng game console. Ví dụ điển hình nhất là những loạt game bắn súng góc nhìn người thứ nhất khác hẳn với các loại game khác từ Atari và Nintendo, từ Pong cho đến thể loại Puzzles như Tetris.
Ông muốn cho thấy rằng, những dòng game console cũ tạo nên độ khó đến mức nghệ thuật và để lại nhiều dấu ấn khó phai. Các game thủ buộc phải khám phá nhiều cách thức cũng như giải pháp nhằm tìm ra những cách hóa giải game khác nhau. Điều này dẫn đến nhiều sự sáng tạo và cũng là một điểm tuyệt vời mà Flappy Bird đã làm được. Thế nên đừng bao giờ đánh giá thấp sự đơn giản.
5. Đây là vấn đề về nội dung chứ không phải công nghệ
Việc so sánh Flappy Bird với Facebook, Apple và những sản phẩm công nghệ khác là hết sức vô lý. Vậy mà một số phương tiện truyền thông tại Việt Nam vẫn đang làm chuyện này. Căn bản, Flappy Bird thiên về nội dung giải trí, cũng có nghĩa là sẽ phù hợp hơn khi so sánh nó với Gangnam Style của Psy, rõ ràng hơn nữa là Angry Birds và Clash of Clans.
Cũng đúng khi nói rằng, thành công này nhờ ít nhiều vào thần may mắn. Hà Đông viết dòng tweet trên Twitter rằng, không ngờ được sự thành công về mọi mặt mà mình đang đón nhận. Anh bật bí những bí quyết riêng của mình và cách mà anh đặt vào những "đứa con" của mình. Điều này cũng giống với trường hợp Rovio, họ đã từng thất bại hơn 50 lần trước khi thành công. Hiện nay, Rovio có lợi thế về cả một đội ngũ và công ty đứng sau lưng mình. Họ đã bắt đầu sản xuất đồ chơi, hoạt hình và những series "ăn theo" khác tạo ra khá nhiều lợi nhuận cho công ty.
Qua đó cho thấy, nếu may mắn, bạn sẽ tạo được "hít" và bạn cũng đem về cho mình nhiều người dùng hơn cũng như doanh thu khủng, và sau đó mọi thứ sẽ trượt dốc. Nó cũng giống như việc sau khi "ăn may" lần đầu, bạn khó có thể tạo nên hiệu ứng như vậy nữa. Điều này thường thấy ở thị trường âm nhạc, thậm chí còn có một danh sách về những kiểu "hít" như vậy.
Flappy Bird là "hít' nhưng liệu .GEARS Studios có đủ sức tạo nên nhiều games khác đủ sức tấn công thị trường thế giới như lần này? Riêng Psy cũng vẫn chưa làm được điều tương tự như Gangnam Style.
6. Những nhà đầu tư mạo hiểm hiếm khi đầu tư vào game vì chúng chỉ "hot" nhất thời
Do tính chất các trò chơi thường chỉ "hot" một thời gian nên khó để các công ty game được chú ý hay kiếm được các quỹ đầu tư. Những nhà đầu tư mạo hiểm mà tôi từng gặp đều khá dè dặt khi bỏ vốn vào các công ty game, đặc biệt là các game độc lập vì không có gì đảm bảo để một trò chơi đạt thành công và hái ra tiền. Họ cho rằng sẽ an toàn hơn nếu tài trợ cho thương mại điện tử hay các công ty sản phẩm với mô hình kinh doanh bền vững có thể kéo dài trong nhiều năm.
Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên tài trợ cho một loại hình game mà tại đó người dùng được phép sáng tạo nội dung hoặc được cung cấp một dịch vụ nào đó, hơn là một trò chơi chỉ nổi lên trong một thời gian ngắn rồi sau đó biến mất.
7. Flappy Bird thành công không nhờ yếu tố "hàng Việt"
Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng người Việt chúng ta có quyền tự hào về sự "nổi dậy" của Flappy Bird, game trở nên "hot" không phải vì nhà phát triển là người Việt. Hiện tượng toàn cầu mang tên Flappy Bird không nhất thiết là do yếu tố Việt Nam. Nói cách khác, mọi người nhìn vào Flappy Bird như một niềm hy vọng của giới lập trình và thiết kế game, nhưng tương lai vẫn còn nhiều khó khăn chờ đón.
Ngành công nghiệp game của Phần Lan đang nở rộ sau gót chân thành công của Rovio và Supercell, nhưng chúng ta chỉ thấy điều này xảy ra khi hai studios này phát hành những thương hiệu tên tuổi. Mặc khác, Hà Đông thành công phần lớn trong sự tự lực của mình. Anh vừa là nhà phát triển, vừa là designer của game này. Rất nhiều người trong giới "startup" và cộng đồng game hoàn toàn mù tịt về Nguyễn Hà Đông cho tới khi anh tỏa sáng.
Chỉ khi nào chúng ta thấy được một thành công tương tự trên sân chơi quốc tế thì lúc đó chúng ta mới có thể tự tin để nói rằng, đất nước mình hoàn toàn có thể tạo nên những game "hít" như vậy. Khi chưa đạt được điều đó thì tất cả chỉ là sự ngạo mạn. Nếu bạn không tin tôi, xin hãy chỉ ra điều gì thật sự mang lại "chất" Việt nhất trong Flappy Bird ngoại trừ tên tác giả Nguyễn Hà Đông (nickname Dong Nguyen).
8. .GEARS Studios đã đi tiên phong trong thể loại mới và truyền cảm hứng cho hàng loạt những công ty vừa chớm nở
Rõ ràng, sự thành công của Flappy Bird không thể không chú ý. Cộng đồng thiết kế game thế giới hiện đang nghiên cứu nó một cách cẩn thận. Sự thành công này còn cho thấy những điều mới mẻ về game mà các công ty phát triển lớn cùng những nhà ảnh hưởng chưa từng quan tâm. Các yếu tố về sự đơn giản, độ khó, đồ họa phong cách cố điển, ít "level" và mức độ lan tỏa đều được kiểm soát chặt chẽ. Và chắc chắn rằng, không lâu nữa chúng ta sẽ bắt đầu thấy những game như thế này, một thể loại game hoàn toàn mới.
9. Trò ném đá thật là trẻ con!
Có hai luồng ý kiến trong cộng đồng người dùng Facebook. Một luồng là cảm thấy rất tự hào về việc Flappy Bird đến từ Việt Nam và chúc mừng cho sự thành công của nó, thậm chí Flappy Bird còn được đem ra so sánh với Psy và Justin Bieber. Ngược lại, bên kia lại là những người có suy nghĩ Flappy Bird không xứng đáng thành công như vậy.
Thường thì nhóm người thứ hai có tên gọi chung là "hội ném đá". Nhưng phải nói thật rằng, việc ném đá thật sự rất trẻ con, không hề sáng tạo và đã trở nên lỗi thời. Ném đá thì dễ bởi chẳng ai phải vắt óc suy nghĩ để có thể ném đã người khác. Sao không thử tìm tòi, hay nhìn sâu vào vấn đề để hiểu được yếu tố nào đã giúp Flappy Bird có được thành công như hôm nay.
10. Các phương tiện truyền thông đã bỏ quên Twitter
Trong cả câu chuyện từ đầu chí cuối, Hà Đông chỉ sử dụng phương tiện duy nhất để truyền tải thông điệp của mình đến với thế giới đó là Twitter. Anh không hề dùng blog, Facebook hay thậm chí là trang web của chính mình .GEARS Studio. Điều này khá lạ lùng khi mà tại Việt Nam, Facebook có sự tăng trưởng chóng mặt từ số lượng 12 triệu người dùng vào tháng 3/2013 lên đến hơn 20 triệu người dùng vào tháng 01/2014. Ngược lại, Twitter lại không hề thành công trong việc tiến vào thị trường Việt Nam.
Trong khi Facebook chiếm thị phần lên đến hơn 60% tại Việt Nam thì Twitter chỉ chiếm ít hơn 20%. Tuy vậy, hầu hết người nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay đều không sử dụng Twitter. Dường như giới truyền thông ở Việt Nam đã bỏ quên hoàn toàn Twitter. Vậy liệu trong tương lai chúng ta có thể chứng kiến sự vùng dậy của Twitter tại Việt Nam?
Thị trường game Việt đã đến thời điểm cất cánh
Hiện nay, trò Flappy Bird đã bị gỡ bỏ khỏi chợ ứng dụng, nhưng vẫn rất dễ dàng để có thể cài đặt trên các thiết bị chạy nền tảng Android nếu có tập tin *.apk. Ngược lại, điều này lại không dễ dàng đối với iOS. Ai mà biết trước được khi nào game mới sẽ ra mắt hay Flappy Bird liệu có trở lại chợ ứng dụng?
Câu hỏi đặt ra là các nhà phát triển game sẽ có được gì nếu hoạt động ở Việt Nam? Tuy ngành công nghiệp làm game mới hình thành tại Việt nam nhưng hãy nhớ rằng Việt Nam đã có truyền thống cả một thập kỷ trong việc làm game, và công ty công nghệ lớn nhất nước chính là VNG - công ty nổi tiếng về việc làm lại các game nổi tiếng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các công ty game nhỏ như GlassEgg, Colorbox, Divmob, iWin và thậm chí là Gameloft cũng có chi nhánh ở đây. Nổi trội hơn hết, chắc hẳn phải kể đến hai trang lớn chuyên về game là Gameland và SohaGame.
Ngành công nghiệp làm game tại Việt Nam hiện đang phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Vì vậy, hãy bình tĩnh bước tiếp và tiếp tục đón những game đỉnh cao đến từ Việt Nam!
|
Ngọc Phạm (Theo Anh-Minh Do/Techinasia.com) (Khampha.vn)
0 nhận xét:
Post a Comment